Mật ong bạc hà là một đặc sản quý báu của cao nguyên đá Đồng Văn mà không nơi nào trên thế giới có được. Trong bài viết sau, tôi sẽ phân tích những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng mật ong bạc hà như: địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn, con người,… sẽ ảnh hưởng như thế nào tới chất lượng mật. Mời các bạn cùng theo dõi.
Nội dung tóm tắt
Đặc điểm địa hình
Hà Giang là 1 tỉnh vùng núi cực bắc Tổ Quốc, nơi có địa hình rất hiểm trở. Năm 2010, Tổ chức UNESCO thế giới đã công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu. Từ đó tới nay, cao nguyên đá Đồng Văn đã thu hút được nhiều khách du lịch và nhà nghiên cứu đến nơi đây.
Với địa bàn gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Cao nguyên đá có độ cao trung bình từ 1.000m – 1.600m. Phần lớn diện tích là thượng nguồn sông Nho Quế, sông Miện cùng với các ngọn núi đá vôi có độ dốc rất cao.
Theo thống kê, 60% diện tích của cao nguyên đá là các loại đá vôi. Đá vôi ở cao nguyên Đồng Văn đang ở giai đoạn karst tương đối trẻ. Trên bề mặt đá non trẻ còn tồn tích của sự chuyển hóa của vỏ trái đất và đục khoét của nước, tọa thành những khối đá tai mèo lởm chởm, sắc nhọn.
Với sự kết hợp hài hòa giữa đá vôi và các loại đá khác, địa hình hiểm trở. Vị trí cao nguyên nằm gần đường Chí Tuyến Bắc nên đây chính là nơi phân bố của cây hoa bạc hà dại. Trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, cây bạc hà dại phải thích nghi khá nhiều tới sự phát triển.
Điều kiện thổ nhưỡng
Do địa hình là khu vực các núi cao, độ dốc lớn. Địa chất cao nguyên đá là các nền đá cổ và nguyên sinh. Những phiến đá vôi, đá sa thạch, đá biến chất,…nằm trong khu vực có nhiều mây mù, độ ẩm cao. Vì thế, quá trình tích lũy tạo mùn diễn ra thường xuyên. Những lớp đá bị phong hóa hình thành những nền đất đổ, đất đen, đất nâu,…rất phong phú.
Sự hình thành các loại đất cũng như đặc tính lý hóa của đất chịu ảnh hưởng rất lớn các điều kiện tự nhiên. Vùng có các loại nhóm đất chính sau: Đất Feralit mùn nâu xám trên núi trung bình phân bố ở độ cao > 700m; Đất Feralit nâu, đỏ vàng phân bố ở độ cao < 700m; Đất Feralit nâu đỏ phát triển trên đá vôi; Đất bồi tụ phù sa dọc theo các thung lũng sông suối.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học thấy cây bạc hà mọc tốt ở đất núi đá tơi xốp, thoát nước tốt. Đặc biệt, chúng lại mọc ở những nơi ẩm và nghèo chất hữu cơ. Chính vì thế, những nơi có nhiều núi đất trong địa bàn Yên Minh, Quản Bạ, Mèo vạc không thấy bạc hà nở.
Đây cũng là yếu tố rất quan trọng để giải thích vì sao việc nhân giống cây bạc hà ở những địa phương khác rất khó. Có nhiều đề tài khoa học cho việc di cư cây bạc hà sang tỉnh khác, nhưng đều thất bại.
Điều kiện thủy văn
Theo các kết quả quan chắc, thì cao nguyên đá Đồng Văn là nơi có lượng mưa ít. Hệ thống sông chính trên cao nguyên chỉ có sông Nho Quế và sông Miện. Những con sông nhỏ, suối rất ít. Chúng được tạo thành bởi độ dốc cao của núi, khi mưa lớn sẽ sói mòn tạo thành dòng chảy.
Mặt cắt tầng địa chất ở đây khá phức tạp, chia làm nhiều tầng. Vì thế, lượng nước ngầm thường có ở sâu trong lòng núi. Chính vì thế, người dân rất khó sử dụng nước ngầm để phục vụ sinh hoạt. Nước sinh hoạt hàng ngày chủ yếu phụ thuộc vào lượng mưa.
Lượng mưa ít, nước ngầm nằm sâu. Nên bà con nơi đây đa số chỉ trồng được ngô làm cây lương thực. Hết vụ ngô, chính là lúc hoa bạc hà dại bắt đầu sinh sôi.
Điều kiện khí hậu
Khí hậu ở cao nguyên đá khá khắc nghiệt. Thời tiết trong vùng thường biến đổi mạnh. Vào mùa đông, thời tiết rất lạnh, thậm chí còn có tuyết. Nhiệt độ trung bình 6-12 độ, thường xuyên có sương muối.
Vào mùa mưa (tháng 5 tới tháng 10), nhiệt độ trung bình 22-27 độ, mát mẻ. Nhưng trong mùa mưa thương có mưa đá, gió lốc, lũ quét gây thiệt hại rất lớn cho người dân.
Lượng mưa trung bình 1.400mm/năm. Đây là lượng mưa khá cao. Nhưng do địa hình nền đá karst nên nước mưa nhanh chóng bị thẩm thẩu vào lòng đất, tạo nên những hang động ngầm.
Độ ẩm trung bình tháng cao nhất là 87% (tháng 7), độ ẩm trung bình thấp nhất là 81% (tháng 4), độ ẩm tối thấp tuyệt đối là 18% (xảy ra vào tháng 01/1978). Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng có độ ẩm tương đối cao hầu hết các mùa trong năm.
Ở những địa bàn có lượng mưa nhỏ hơn 1200 mm hoặc lớn hơn 1600 mm không có hoặc có rất ít cây bạc hà mọc và phát triển.
Khu vực cây bạc hà mọc và phát triển thuộc vành đai mưa dao động từ 1200 – 1600 mm. Lượng mưa từ tháng 5 – 10 từ 1200 – 1600 mm rất thích hợp với thời gian sinh trưởng của cây bạc hà mọc từ tháng 7 và bắt đầu ra hoa từ giữa tháng 10.
Yếu tố con người ảnh hưởng tới chất lượng mật ong bạc hà
Nghề nuôi ong bạc hà ở cao nguyên đá Đồng Văn có từ rất lâu đời. Đây chỉ là nghề mang tính chất thời vụ, không liên tục.
Để đảm bảo chất lượng đặc thù của mật ong bạc hà cao nguyên đá Đồng Văn. Ngoài các yếu tố về điều kiện tự nhiên, cần tuân thủ đúng các khâu của quy trình kỹ thuật sản xuất bản địa. Không sử dụng đường để nuôi ong.
Trước đây, nghề nuôi ong chỉ tự phát trong các hộ gia đình. Nhưng ngày nay, nghề nuôi ong đã trở thành nghề chính đem lại thu nhập cao cho đồng bào nơi đây.
Đã có những lớp đào tạo về kỹ thuật nuôi ong bạc hà. Những cán bộ đã giúp người dân hiểu rõ hơn về tập tính của loài ong, chia đàn, tạo chúa,…
Đặc biệt, việc nghiêm cấm đưa loại ong ngoại nhập vào địa bàn cao nguyên đá để khai thác mật được chính quyền làm rất tốt. Chính những người nuôi ong bản địa đã tự ý thức được cần phải bảo vệ thương hiệu và nâng cao chất lượng cho sản phẩm của mình.
Yếu tố kỹ thuật, công nghệ
Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển mạnh. Việc áp dụng khoa học, kỹ thuật cao vào sản xuất là rất cần thiết. Chúng ta cũng cần sử dụng các loại máy quan trắc để dự báo lượng mưa, độ ẩm trong việc mở rộng đàn ong. Có như vậy, ta mới biết được lượng hoa nở hàng năm để đáp ứng thức ăn cho ong.
Khi thu hoạch mật, ta cần nâng cao việc chế biến để mật ong bạc hà đảm bảo chất lượng tốt nhất. Từ đó, tạo đầu ra cho mật được tốt hơn. Nếu ta ứng dụng khoa học tốt, thì mật ong bạc hà trong thời gian không xa sẽ là mặt hàng xuất khẩu rất tiềm năng.
Kết luận
Trong bài viết “Những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng mật ong bạc hà”. Bằng kiến thức thực tế và tổng hợp. Tôi đã hệ thống được cho các bạn thấy chất lượng mật ong bạc hà ảnh hưởng bởi những gì. Với sự tự tìm tòi, chắc chắn kiến thức sẽ chưa được đầy đủ. Nếu bạn đọc có những nghiên cứu chuyên sâu hãy gửi cho chúng tôi để chúng ta cùng thảo luận nhé.
Trân trọng cám ơn.
P/s: Bài viết có sử dụng kiến thức chuyên sâu của các công trình nghiên cứu thuộc Cục sở hữu trí tuệ.